Thứ Bảy, 23/11/2024 23:29 CH
Chủ động đối phó áp thấp nhiệt đới (cơn bão số 13):
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất kiểm tra tại Tuy An, Sông Cầu
Thứ Năm, 07/11/2013 07:35 SA

* Các ngành, địa phương khẩn trương triển khai phương án phòng tránh

 

Sáng 6/11, đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với áp thấp nhiệt đới (cơn bão số 13) tại huyện Tuy An và TX Sông Cầu.

 

bao-13131107.jpg

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại công trình kè An Phú, An Ninh Đông - Ảnh: K.NHO

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN huyện Tuy An và TX Sông Cầu, đến thời điểm này, toàn bộ tàu thuyền hành nghề khai thác khơi của địa phương đã vào nơi tránh trú an toàn tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi và tại địa phương. Tại đây, hiện có hơn 1.250 lồng tôm hùm, cá mú đang nuôi tại các vùng biển gần bờ; hơn 600 hộ dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng triều cường, sạt lở đất uy hiếp.

 

Qua kiểm tra thực tế tại một số cơ sở, đồng chí Trần Quang Nhất yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB - TKCN, chính quyền, các cơ quan chức năng ở huyện Tuy An, TX Sông Cầu không được lơ là, chủ quan với áp thấp nhiệt đới (cơn bão số 13); khẩn trương cử các thành viên của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN về cơ sở để triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với áp thấp nhiệt đới (cơn bão số 13). Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước và các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn; bố trí lực lượng thanh niên xung kích ứng trực 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, sẵn sàng đối phó khi có sự cố xảy ra; bố trí, sắp xếp phương tiện tàu thuyền tại nơi neo đậu tránh trú, đảm bảo an toàn; tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi khi có bão; chằng chống nhà cửa, kho tàng, lồng bè nuôi thủy sản; sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán, di dời người và tài sản của nhân dân tại các vùng bị triều cường, sạt lở đất và vùng trũng thấp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

 

* Thực hiện Thông báo số 639/TB-UBND tỉnh, đến 13 giờ ngày 6/11 các địa phương đã có kế hoạch di dời, sơ tán dân cư tại các vùng cửa sông, ven biển, vùng trũng thấp, vùng bị ảnh hưởng mưa lớn, triều cường, vùng sạt lở đất với kế hoạch di dời, sơ tán 2.825 hộ với 11.694 nhân khẩu; đang triển khai neo đậu, chằng chống, hạ độ sâu xuống đáy để tránh ngọt hóa khoảng 1.110 lồng với 218 bè nuôi các loại thủy hải sản.

 

Đến chiều 6/11, toàn tỉnh còn 183 tàu thuyền với 897 lao động đang đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có 52 tàu với 448 lao động đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa, số tàu thuyền còn lại đang đánh bắt ở các vùng biển ven bờ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Hiện đã có 17 tàu đánh bắt xa bờ với 140 lao động đã vào tránh trú tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, 22 tàu với 188 lao động đang chạy xuống khu vực có tọa độ 6 đến 70 vĩ bắc, 110 đến 1120 kinh đông để tìm nơi tránh trú, 13 tàu với 120 lao động đang trên đường chạy vào bờ. Đối với các tàu cá đánh bắt ven bờ đã có 40 tàu thuyền với 180 lao động đã vào trú tránh tại các địa phương lân cận. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền chủ động di chuyển và tìm nơi tránh trú an toàn.

 

* Sáng 6/11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã họp đột xuất triển khai các phương án, sẵn sàng đối phó với áp thấp nhiệt đới (cơn bão số 13).

 

Theo đó, Bộ CHQS tỉnh duy trì lực lượng trực 100% quân số; cử cán bộ bám sát cơ sở, nhất là những địa bàn xung yếu, nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng tham gia cùng địa phương di dời nhân dân một số nơi trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão và triều cường đến nơi an toàn. Các đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ tại cơ quan; tổ chức chằng chống nhà cửa, doanh trại, kho tàng, chống dột, chống sập; triển khai mạng lưới thông tin liên lạc từ tỉnh đến các nơi xung yếu phục vụ cho công tác chỉ huy điều hành và nắm tình hình. Đồng thời chuẩn bị 25 xuồng cứu hộ các loại, 225 nhà bạt, 5.300 phao tròn, 26 phao bè và các trang bị khác, sẵn sàng làm nhiệm vụ; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, như Hải quân, Công an, Biên phòng, Trung đoàn Không quân 910...; chủ động thực hiện phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ”, để ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

 

tham-tau131107.jpg

Ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa neo đậu tàu thuyền phòng tránh áp thấp nhiệt đới (cơn bão số 13)- Ảnh: X.HIẾU

* Chiều 6/11, Sở GD-ĐT Phú Yên gửi công văn khẩn đến các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc sở về việc chủ động đối phó với bão lụt. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Ngọc Thư cho biết: Sở đã giao quyền cho hiệu trưởng các trường chủ động cho học sinh nghỉ học khi có bão xảy ra. Các trường phải thông báo để phụ huynh chủ động, tránh việc học sinh không nắm rõ lịch nghỉ học vẫn đến trường có thể gặp những tai nạn đáng tiếc; đồng thời bố trí lịch dạy bù để đảm bảo chương trình. Chiều 6/11, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

 

* Tại huyện Đông Hòa, chiều 6/11, ông Đỗ Kim Đồng, Phó trưởng ban PCLB - TKCN huyện Đông Hòa cho biết đến 11 giờ ngày 6/11, chính quyền thị trấn Hòa Hiệp Trung đã vận động di dời và bố trí đến nơi an toàn 87 hộ với 255 nhân khẩu sinh sống ở những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng triều cường trên địa bàn thị trấn. Trong đó, khu phố Phú Thọ 1 có 37 hộ với 95 người, khu phố Phú Thọ 2 có 25 hộ với 90 người và khu phố Phú Thọ 3 có 25 hộ với 70 người. Thống kê của các xã, thị trấn trong huyện cũng cho biết toàn bộ tàu thuyền và ngư dân trên địa bàn huyện đã vào nơi trú tránh an toàn.

 

Trong cuộc họp khẩn của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN huyện Đông Hòa sáng cùng ngày, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra phương án, chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ” và rà soát lại những vùng trũng thấp, vùng ảnh hưởng triều cường sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn; các xã ven biển lên phương án tổ chức các đội tàu thuyền tham gia công tác ứng cứu khi có tình huống xấu, đảm bảo có đủ 5 tàu thuyền túc trực tại khu vực ven sông Bàn Thạch.

 

Toàn huyện đã huy động gần 470 thanh niên xung kích, chuẩn bị 24 thuyền máy, 42 chiếc ghe, 540 phao tròn, 456 áo phao; gần 30 tấn gạo, 200 thùng mì tôm… để ứng phó với bão lụt.

 

* Tại huyện Sơn Hòa, chiều 6/11, ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban PCLB-TKCN huyện Sơn Hòa cho biết, công tác chuẩn bị đối phó bão lũ của địa phương đã hoàn tất. Huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát các phương án sẵn sàng sơ tán dân vùng trũng thấp, ven suối, vùng bị ảnh hưởng mưa lớn theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là khu vực xóm Bãi Điều, khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn và đội 5, đội 6, thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà. Đây là những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng khi có mưa lũ lớn với khoảng 400 hộ dân cần di dời. UBND huyện cũng đã huy động lực lượng thanh niên xung kích hơn 20 người sẵn sàng giúp dân ở các địa phương trên đối phó với mưa lũ; đồng thời bố trí lực lượng công an kiểm soát giao thông tại các khu vực có khả năng bị ngập sâu để hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn.

 

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ở Tuy Hòa (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa) đã có gió giật mạnh cấp 6.

 

Lúc 16 giờ ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,6 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Đến 4 giờ ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,8 độ vĩ bắc; 105,8 độ kinh đông, trên đất liền miền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam mỗi giờ đi được khoảng 25 đến 30km. Đến 16 giờ ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,4 độ vĩ bắc; 102,5 độ kinh đông, trên khu vực phía đông vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có giật cấp 8, cấp 9. Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Từ sáng 7/11, vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh giật cấp 6, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng cao.

 

Ngoài ra, hồi 16 giờ ngày 6/11, bão Haiyan có vị trí ở vào khoảng 7,7 độ vĩ bắc; 137,2 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 25 đến 30km/giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 8/11, cơn bão này có khả năng đi vào biển Đông.

 

* Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, trên địa bàn Phú Yên, lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 5/11 đến 7 giờ ngày 6/11 các nơi như sau: Tại Hà Bằng (Đồng Xuân) là 6,3mm, tại Củng Sơn (Sơn Hòa) là 5,4mm, tại Phú Lâm (TP Tuy Hòa) là 9,4mm, tại Sông Cầu là 16,4mm. Mực nước các sông trong tỉnh dao động ở mức dưới báo động I, từ 0,1 đến 3,58m. Hiện hầu hết các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh mực nước còn thấp, chưa xả lũ, lưu lượng nước về các hồ từ 20 đến 200m3/s. Lúc 7 giờ 30 ngày 6/11, mực nước tại hồ thủy điện Sông Hinh là 201,2m (mực nước thiết kế là 209m); hồ thủy điện Sông Ba Hạ là 103,3m (mực nước thiết kế là 105m). Trên địa bàn tỉnh có 43 hồ chứa nước, trong đó có 2 hồ thủy lợi hơn 10 triệu m3 (hồ Phú Xuân và hồ Đồng Tròn) hiện nay chưa tích nước để phục vụ sản xuất cho vụ lúa đông xuân 2013-2014. Lúc 7 giờ ngày 6/11, mực nước hồ Phú Xuân 30,6m (mực nước thiết kế là 36,5m); hồ Đồng Tròn là 26,7m (mực nước thiết kế là 35,5m). Hiện các chủ hồ tổ chức trực ban, theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch điều tiết hợp lý.

 

NHÓM PV, CTV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek