Thứ Ba, 07/05/2024 03:13 SA
Sức hút “cầu nối” mang tên Sumo
Thứ Bảy, 13/09/2014 13:00 CH

Hai võ sĩ Sumo Souma Manabu (trái), Iwami Koya (phải) và tác giả bài viết (giữa) - Ảnh: Y.ĐÀO

Kích cỡ “khổng lồ” và cuộc sống “khác thường” của những võ sĩ Sumo luôn là điều “không giống ai” so với các môn võ khác. Chen trong đám đông tò mò với bao câu hỏi, tôi đã có cuộc tiếp xúc thú vị với các võ sĩ Sumo đến từ đất nước Mặt trời mọc…

 

“Tôi thực sự bất ngờ và cảm kích trước sự hào hứng, cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả Việt Nam trong các buổi biểu diễn Sumo. Trước đó, chúng tôi nghĩ sẽ phải giải thích nhiều về môn võ này, thế nhưng những người yêu võ thuật ở đây đã tỏ ra khá am hiểu về Sumo. Thực sự, võ thuật có một sức kết nối, thông hiểu thật kỳ diệu. Đoàn võ Sumo lần này thuộc CLB Sumo của Tập đoàn Maguchi - một doanh nghiệp lớn của Nhật đã và đang có nhiều dự án hợp tác làm ăn triển vọng với Bình Định và nhiều địa phương khác ở Việt Nam”. (Võ sư Sumo Yoshimi Maeda - Trưởng đoàn Sumo Nhật tại Bình Định tháng 8/2014)

Đất võ Bình Định tháng 8/2014. Tại các cuộc thi đấu giao lưu của Đoàn võ thuật Nhật Bản, môn võ Sumo luôn được cổ vũ nồng nhiệt hơn hẳn. Vì thế sau đó, các tiết mục võ Sumo đã được xếp biểu diễn cuối cùng để “giữ chân”, tạo cảm giác mong chờ cho khán giả…

 

THỨ GÌ CŨNG “GẤP 3”

 

“Tải trọng” gần 130kg, võ sĩ Souma Manabu với nụ cười hồn hậu, thật dễ gần. Năm nay 43 tuổi, bắt đầu luyện Sumo từ năm 12 tuổi, Souma từng lên sàn thi đấu “rất nhiều trận, không nhớ hết”. Hiện anh là võ sĩ kiêm huấn luyện viên Sumo tại tỉnh Osaka (Nhật Bản).

 

Tôi bắt đầu bằng câu hỏi “anh làm thế nào để có thân thể to, nặng như thế?”. Souma cười: “To, nặng - ấy là điều bình thường phải có của một võ sĩ Sumo. Chúng tôi phải ăn gấp 3 lần người bình thường”.

 

Theo Souma, để đạt được trọng lượng và thể lực tốt, người Sumo phải có chế độ luyện tập và ăn uống chuyên biệt. Một võ sĩ Sumo càng có trọng lượng lớn càng được coi trọng, vì có thể góp phần tạo nên sự “bề thế” vững chãi và sức mạnh đẩy ngã đối thủ để giành chiến thắng. Võ sĩ Sumo không ăn bữa sáng nhưng lại ăn nhiều trong các bữa còn lại.

 

Họ thường dậy khoảng 5 giờ sáng, rồi để bụng rỗng đi thẳng tới phòng tập luyện. Điều này có thể giúp các võ sĩ Sumo nhẹ nhàng, nhanh nhẹn hơn khi tập với cường độ cao và sau đó sẽ… thâu nạp được nhiều thức ăn nhất! Bữa ăn đầu tiên trong ngày của một sumo bắt đầu từ sau 11 giờ trưa. Họ được phép ăn bất cứ thứ gì mình thích, nhiều nhất có thể và đi ngủ ngay sau bữa ăn để giữ chất béo. Trọng lượng trung bình của một võ sĩ Sumo là 130kg, chiều cao 180cm.

 

Với vóc người châu Á, nếu sinh hoạt ăn uống thông thường, sẽ không dễ đạt được trọng lượng “bất thường” nhưng thể chất nhanh nhạy như các Sumo. Trong một lò luyện Sumo, các đấu sĩ có loại thức ăn đặc biệt, gọi là chankonabe. Đây là một món hầm của người Nhật, được các võ sĩ Sumo sử dụng nhằm tăng cân hàng ngày. Dần dần, chankonabe và Sumo trở nên gắn kết khăng khít với nhau. Nhắc tới chankonabe, người ta sẽ nghĩ ngay tới các võ sĩ Sumo và ngược lại. Món chankonabe có thành phần chính là loại nước dùng dashi làm từ thịt gà, cá, rượu sake hoặc thịt bò cùng các loại rau. Món này rất giàu đạm, được võ sĩ Sumo dùng với số lượng lớn, cùng bia và gạo để tăng lượng calo, giúp duy trì thể trạng sung mãn.

 

Màn khởi động của các võ sĩ Sumo - Ảnh: H.PHIÊN

 

Trước đây, một số Sumo không ăn cá hoặc thịt bò, bởi cá… không có chân và bò thì đến 4 chân; là những “thế đứng không thích hợp” trong thi đấu Sumo! Chỉ có gà (đi đứng 2 chân) là phù hợp nhất!

 

To béo như thế nhưng nhờ khổ luyện đặc biệt, cơ thể họ rất rắn chắc, dẻo dai và phản xạ tốt. Thấy tôi hơi nghi ngờ điều này, Souma cho tôi thử nhấn, bóp và đấm vào người anh; quả thật, chắc nịch như đá tảng! Anh còn cho tôi thủ thế kỹ lưỡng, rồi ra đòn “trăm phát trăm trúng”…Souma cười sảng khoái: “Người tớ toàn thịt nạc, rất ít mỡ đấy nhé!”.

 

MÔN VÕ KỲ LẠ VÀ GẦN GŨI

 

Sumo là môn võ có lịch sử phát triển lâu đời, thể hiện sự cứng cỏi và dũng khí của người Nhật Bản. Các võ sĩ Sumo còn đảm trách việc cử hành những nghi thức tế lễ. Điển hình là nghi thức bái tế cầu nguyện thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Có thời, hình ảnh của võ sĩ Sumo còn đại diện cho sức mạnh của mỗi vị lãnh chúa. Sau đó, Sumo trở thành hình thức giải trí được công chúng yêu thích và được tổ chức thi đấu chuyên nghiệp trên võ đài vòng tròn dohyo. Võ sĩ nào bị đối phương đẩy ra khỏi vòng tròn này sẽ là người thua trận.

 

Tại Nhật, những võ sĩ Sumo tài giỏi và có cấp bậc cao được công chúng rất ngưỡng mộ. Họ có thu nhập cao, cuộc sống sung túc, tên tuổi không thua kém gì các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng. Tranh vẽ về những võ sĩ này được người dân sưu tầm mang theo trong túi xách, treo trang trọng trong nhà. Nhiều võ sĩ Sumo lừng danh đã trở thành thần tượng của giới trẻ Nhật Bản.

 

Võ sĩ Souma Manabu (trái) trên sàn đấu. - Ảnh: H.PHIÊN

 

Tại các buổi giao lưu ở Bình Định, khán giả cũng vô cùng thích thú khi các võ sĩ Sumo thực hiện những nghi lễ truyền thống trang nghiêm, đầy màu sắc văn hóa. Các võ sĩ mặc một chiếc tạp dề trang trí hoa văn cầu kỳ với đường viền màu vàng. Họ đứng thành vòng tròn quanh sàn đấu dohyo và thực hiện một số động tác truyền thống với ý nghĩa hướng tới thần linh. Thế rồi, khán giả thêm phần ấn tượng khi hàng chục học sinh Quy Nhơn đã dồn sức đẩy nhưng một võ sĩ Sumo vẫn đứng vững như tượng đá chôn sâu vào đất!

 

Sumo thi đấu không phân tính theo hạng cân. Thế nên khán giả Việt Nam rất lạ khi thấy một võ sĩ thấp bé hơn lại đối đầu với một “ông Đùng”; đã thế, đôi khi võ sĩ “hạng lông” lại chiến thắng! Luật thi đấu Sumo không cho phép dùng đòn đá, đòn cùi chỏ, không được nắm tóc, không được xỉa vào mắt hoặc tấn công hạ bộ; thế nhưng được húc đầu vào người đối thủ, được ngáng chân, thậm chí được tát vào mặt đối phương.

 

Về chuyện “vợ con” của võ sĩ Sumo, Souma vui vẻ cho hay: “Ngày xưa, có một số lò võ Sumo quy định “kiêng khem” về chuyện lấy vợ của võ sĩ. Thế nhưng bây giờ các võ sĩ Sumo cũng sinh hoạt bình thường như bao người khác; có võ sĩ tên tuổi còn được nhiều cô gái danh giá “nâng khăn sửa túi”. Hiện tại, Sumo đã thành môn thể thao phổ biến, nhiều người theo tập chỉ để rèn luyện sức khỏe. Trước đây, phụ nữ không được đặt chân lên võ đài Sumo, còn bây giờ thì có rất nhiều nữ võ sĩ Sumo. Tại Nhật lúc này, có rất nhiều võ sĩ Sumo là người nước ngoài”.

 

Anh Souma cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Cùng với sự phát triển xã hội hiện đại, giới trẻ Nhật cũng đang xao nhãng dần môn võ Sumo. Bây giờ thì nhiều học sinh lại hâm mộ hơn đối với môn bóng đá, bóng chày… Có em còn không hứng thú với Sumo do trang phục thi đấu… hở bụng, hở mông! Thế nhưng với anh em võ sĩ chúng tôi, Sumo đã thấm trong máu nên nếu có nghỉ thi đấu chuyên nghiệp, làm nghề khác rồi thì vẫn tiếp tục tìm đến sinh hoạt tại các phòng tập”.

 

Theo Souma, Nhật Bản bây giờ đang hướng mạnh đến việc bảo tồn tinh hoa truyền thống của Sumo - môn võ đại diện quốc gia. Rồi hướng mạnh đến việc giới thiệu ra thế giới, như là một tiếng nói ngoại giao văn hóa đậm nét đặc trưng quyến rũ của đất và người xứ sở Mặt trời mọc…

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gặp chàng trai đi bộ xuyên Việt
Chủ Nhật, 07/09/2014 11:00 SA
Về với “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Bảy, 30/08/2014 09:50 SA
Gặp Phú Yên giữa Trường Sa
Thứ Bảy, 09/08/2014 07:51 SA
“Sốt” với con ba ba có hình mặt người
Thứ Bảy, 02/08/2014 08:51 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek