Thứ Năm, 02/05/2024 10:41 SA
Tiếp tục đầu tư và tăng cường quản lý vùng nuôi thủy sản
Thứ Năm, 05/01/2023 11:00 SA

Người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Năm 2023, để nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ thành công, tỉnh đã xây dựng lịch thời vụ, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản và yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý tại các vùng nuôi…

 

Trước đó, trong năm 2022, hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi ít xảy ra.

 

Nuôi thủy sản còn gặp khó

 

Ông Trần Văn Thắng, người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Năm vừa qua, gia đình tôi thả nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 1,2ha. Mặc dù dịch bệnh trên tôm nuôi không xảy ra nhưng do ảnh hưởng thời tiết mưa nắng thất thường nên tôm phát triển rất chậm. Cả ba vụ nuôi trong năm, sau khi trừ chi phí chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng.

 

Còn theo ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), năm 2022, gia đình ông nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 1,4ha thì có 1 vụ tôm bị bệnh, mất trắng. “Vụ nuôi đầu tôm bị bệnh, chết sạch. Do tôm còn nhỏ, đầu tư chưa nhiều nên lỗ vốn hơn 20 triệu đồng. Hai vụ sau, mặc dù tôm nuôi không bị bệnh nhưng phát triển không đều. Tính chung cả ba vụ nuôi năm vừa qua không lãi được bao nhiêu”, ông Nguyễn Văn Bút nói.

 

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết: Năm 2022, diện tích NTTS toàn tỉnh khoảng 2.675ha. Thủy sản nuôi lồng bè 104.105 lồng. Sản lượng NTTS năm 2022 đạt khoảng 16.920 tấn. Ngành Nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho thủy sản; thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh được truyền tải đến người nuôi kịp thời, giảm thiểu nguy cơ phát sinh, bùng phát dịch bệnh và sự cố môi trường trên thủy sản nuôi. Tuy nhiên, bệnh trên tôm nước lợ vẫn còn xảy ra rải rác tại các vùng nuôi với khoảng 102ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, khoảng 30.740 con tôm hùm và 1.220 con cá các loại chết do môi trường. Ngoài ra, việc chấp hành các quy định về nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh thủy sản của người nuôi còn nhiều hạn chế. Mặt khác, thời tiết năm 2022 diễn biến phức tạp, cực đoan, làm môi trường sống thủy sinh thay đổi, trong khi hạ tầng NTTS chưa đáp ứng yêu cầu; các địa phương chưa chủ động phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi.

 

Tuân thủ lịch thời vụ và phòng, chống dịch bệnh

 

Để có những vụ NTTS thành công, hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, Sở NN-PTNT đã ban hành lịch thời vụ NTTS cho các địa phương có nuôi thủy sản. Theo đó, tôm sú, tôm thẻ chân trắng sẽ bắt đầu thả giống từ tháng 2-8/2023. Các địa phương có cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm. Căn cứ vào lịch này và tùy thuộc vào điều kiện riêng của từng vùng, địa phương sẽ hướng dẫn người nuôi thả giống thủy sản.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, năm 2023, dự kiến diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã khoảng 940ha. Để vụ nuôi mới đạt kết quả cao, UBND TX Đông Hòa đã chỉ đạo các địa phương có NTTS triển khai lịch thời vụ thả nuôi, mật độ nuôi phù hợp trên cơ sở lịch thời vụ của tỉnh. Địa phương đang xây dựng và kiện toàn tổ phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi, bố trí kinh phí nạo vét kênh mương các vùng nuôi. TX Đông Hòa cũng đang xây dựng, thành lập tổ quản lý cộng đồng theo từng tiểu vùng nuôi để từng bước thực hiện quản lý vùng nuôi theo quy chế tập trung. Địa phương đề xuất tỉnh tăng cường kiểm tra, quản lý con giống, thức ăn và thuốc phòng trị bệnh tôm, tăng cường công tác kiểm tra cảnh báo môi trường và dịch bệnh.

 

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay: Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong NTTS trên địa bàn tỉnh; phối hợp thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi, khuyến cáo các giải pháp xử lý phù hợp. Các địa phương có NTTS cần thông báo khung lịch thời vụ đến từng hộ nuôi, từng vùng nuôi; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc trạm chăn nuôi và thú y biết để có biện pháp xử lý kịp thời. Khuyến khích các hộ nuôi trong cùng một vùng tổ chức sản xuất theo tổ cộng đồng, áp dụng các quy trình thực hành nuôi tốt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn vùng nuôi… 

 

Sở NN-PTNT và các sở, ngành liên quan, địa phương có NTTS cần chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi. Chủ động phòng, khống chế một số bệnh nguy hiểm trên tôm hùm, bảo đảm số lồng tôm hùm nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng thả nuôi. Chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan rộng.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek