Thứ Hai, 29/04/2024 17:54 CH
Đào tạo nghề để nông dân phát triển kinh tế
Thứ Ba, 03/01/2023 10:38 SA

Các học viên thực hành phân biệt các loại thuốc thú y tiêm chích cho trâu, bò tại lớp dạy nghề ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Ảnh: NGỌC HÂN

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức đào tạo nghề cho hội viên, hỗ trợ nông dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

 

Với hình thức đào tạo nghề ngắn hạn và sơ cấp, trong 5 năm qua, Trung tâm đã trực tiếp tổ chức đào tạo gần 500 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho hàng ngàn lao động nông thôn.

 

Ổn định cuộc sống nhờ có nghề

 

Quá giờ trưa, nhưng vợ chồng chị Kpắ Hờ Lem ở buôn Kít, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh vẫn chịu khó gom những bao cỏ về làm thức ăn cho đàn bò. Chị Kpắ Hờ Lem kể, nhiều năm trước, gia đình luôn lâm vào cảnh túng thiếu, vất vả. Năm 2020, sau khi tham gia lớp dạy nghề về nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò do Trung tâm tổ chức, chị được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi bò sinh sản. “Sau một thời gian chăm sóc, bò sinh bê, nuôi lớn vài tháng đem bán, rồi tiếp tục đầu tư, đến nay gia đình tôi có 5 con bò giống, trả hết vốn vay và đã thoát nghèo. Tới đây, tôi sẽ nhân nuôi đàn bò, xây chuồng trại kiên cố, học thêm kỹ thuật nuôi dưỡng trâu bò và cách ủ thức ăn...”, chị Kpắ Hờ Lem chia sẻ.

 

Sau một thời gian được hỗ trợ đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò do Trung tâm tổ chức, nhiều hội viên nông dân ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa đã xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho gia đình mình. Anh Niê Y Thanh, một hộ nuôi cho biết: “Với việc nuôi bò sinh sản, chúng tôi đã có thu nhập cao hơn so với làm rẫy. Để duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi này, công đầu phải kể đến sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân với việc dạy nghề rất bài bản về cách chọn giống, cách chăm sóc và phòng trị bệnh. Nhờ nắm bắt được khoa học kỹ thuât, chu kỳ sinh sản nên trong quá trình nuôi, gia đình tôi đã kiểm soát được 90% dịch bệnh, tỉ lệ hao hụt ngày càng thấp”.

 

Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, Trung tâm đã xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho bà con theo tinh thần dạy những điều nông dân cần, hướng vào đối tượng học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, các lớp mở ngay tại thôn, buôn dưới hình thức cầm tay chỉ việc.

 

Đòn bẩy để vươn lên

 

Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội tiến hành điều tra, khảo sát sơ bộ tình hình lao động nông thôn trên cơ sở có định hướng những ngành nghề phù hợp với từng đơn vị. Với vai trò đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm xây dựng các bộ chương trình, khung chương trình theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thông qua đào tạo nghề, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, giúp hội viên, nông dân có việc làm sau khi hoàn thành khóa học”.

 

5 năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp với Trung tâm tổ chức đào tạo được hơn 500 lớp nghề ngắn hạn và sơ cấp nghề, với gần 18.000 hội viên nông dân tham gia học nghề. Sau thời gian đào tạo, 75-80% nông dân có việc làm ổn định, một số hộ đứng ra thành lập chi tổ hội nghề nghiệp, phát huy nghề đã học và được địa phương công nhận thoát nghèo; một số trở thành hộ khá giả, kinh tế gia đình từng bước phát triển, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 

Ông Lê Văn Lới, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi chú trọng truyền tải lý thuyết và thực hành, từ những kiến thức cơ bản đến việc định hướng nghề nghiệp giúp bà con sau này khi được trang bị nghề có thể tự tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Ngoài dạy nghề, Trung tâm còn thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phục vụ các mô hình thực hành học nghề của hội viên, nông dân. Đồng thời quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm và thực hiện tốt chương trình mua phân bón chậm trả cho nông dân. 

 

Thời gian tới, Tỉnh hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các chương trình, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tranh thủ những nguồn hỗ trợ từ tỉnh, trung ương xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

 

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Văn Dũng

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek