Thứ Hai, 06/05/2024 15:24 CH
Sớm giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Thứ Năm, 25/05/2023 17:58 CH

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tham gia thảo luận tại tổ vào ngày 25/5, ĐBQH Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu ý kiến về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo đang được cử tri quan tâm.

 

Quang cảnh phiên thảo luận ở Tổ 9. Ảnh: quochoi.vn

 

Đó là tình trạng thiếu giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội.

 

Theo đại biểu Lê Văn Thìn, vấn đề này đã nhiều lần đề cập tại nghị trường Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để. Hiện đang thiếu giáo viên cấp tiểu học nên chưa đảm bảo việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; giáo viên chuyên dạy các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Thể dục còn thiếu vì không có định mức biên chế riêng cho các môn học này ở cấp tiểu học. Đối với cấp THCS và THPT, lực lượng giáo viên chưa đảm bảo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới do thiếu giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên và môn Hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý).

 

ĐBQH Lê Văn Thìn thảo luận tại tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN

 

“Mặc dù đã có lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có tích hợp một số môn học, nhưng việc đào tạo giáo viên có chuyên môn dạy các môn này còn chậm. Gần đây mới có một số trường sư phạm có chuyên ngành giảng dạy bộ môn tích hợp, vì vậy phải chờ một vài năm nữa mới có giáo viên có chuyên môn dạy các môn này. Việc tập huấn, đào tạo cấp tốc trong vài tháng cho giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý để giảng dạy môn tích hợp thì giáo viên không thể thông thạo tất cả kiến thức chuyên ngành của các bộ môn cần đứng lớp”, đại biểu Lê Văn Thìn nêu vấn đề.

 

Theo đại biểu, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT khi không có giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp để đảm bảo việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả.

 

Các ĐBQH của tỉnh Phú Yên tham gia phiên thảo luận ở Tổ 9. Ảnh: quochoi.vn

 

Cũng tại phiên thảo luận tổ vào ngày 25/5, ĐBQH Lê Văn Thìn nêu vấn đề về việc thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020. Theo đại biểu, đây là chính sách đúng đắn, phù hợp với mục tiêu là đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước thông qua việc cấp đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành; đồng thời thu hút được học sinh giỏi vào học và công tác trong ngành Giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP trong thực tế có vướng mắc, bất cập. Đó là:

 

(1) Sinh viên sư phạm theo đặt hàng được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt sau khi tốt nghiệp không có chính sách đặc thù ưu tiên hoặc đặc cách tuyển dụng (sau khi sinh viên tốt nghiệp cũng phải tham gia tuyển dụng công bằng với tất cả các sinh viên khác theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Nếu không trúng tuyển thì sẽ không được tuyển dụng).

 

(2) Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định “Đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt là sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành Giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp”. Nghị định 116/2020/NĐ-CP không quy định “Nếu sinh viên tham gia tuyển dụng mà không trúng tuyển thì phải bồi hoàn chi phí hay không (nếu phải thực hiện thu hồi kinh phí sẽ gây khó khăn cho sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi cam kết đào tạo sau khi tốt nghiệp không được tuyển dụng vào làm việc)”. Điều này gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong việc thu hồi chi phí bồi hoàn.

 

(3) Trong những năm qua, biên chế ngành Giáo dục được giao thấp hơn so với định mức giáo viên/lớp của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 06/2015/TTLT-BNV-BGDĐT và Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT; đồng thời phải thực hiện cắt giảm chỉ tiêu biên chế hàng năm. Như vậy, khi đặt hàng đào tạo theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT, nếu không được giao đủ biên chế tuyển dụng sẽ gây lãng phí ngân sách địa phương, gắn với trách nhiệm của cơ quan, cá nhân thực hiện nhiệm vụ đặt hàng. Bên cạnh đó, khi người học cam kết về phục vụ địa phương nhưng sau khi tốt nghiệp 2 năm, địa phương không có biên chế để tuyển dụng thì việc yêu cầu người học bồi hoàn kinh phí là không hợp lý. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp để thực hiện chính sách này một cách đồng bộ, hiệu quả, không gây lãng phí.

 

Cũng tại phiên thảo luận tổ, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận xoay quanh vấn đề tăng học phí gây khó khăn và tạo áp lực đối với người dân.

 

QUỐC LUÂN (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek