Thứ Sáu, 03/05/2024 23:38 CH
Giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống
Thứ Năm, 03/11/2022 07:00 SA

Rác thải nhựa tái chế được người dân xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) tập kết, phân loại. Ảnh: ANH NGỌC

Vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay. Các sở, ngành và địa phương cần vào cuộc mang tính lâu dài để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa, chống rác thải nhựa.

 

Nâng cao nhận thức về rác thải nhựa 

 

Theo Sở TN-MT, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay trung bình khoảng 672 tấn/ngày, trong đó thu gom được khoảng 485 tấn/ngày (đạt khoảng 72%). Việc phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa đã ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái, từ đó dẫn đến các tác động tiêu cực về phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”, do con người xử lý không đúng cách, khiến chất nhựa gây hại ra môi trường ảnh hưởng tới sinh vật sống và con người. Nguy hiểm nhất của đồ nhựa, túi ni lông là khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Các nhà khoa học tính rằng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, rác thải nhựa mới phân hủy.

 

Thời gian qua, Sở TN-MT và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải, trong đó quan tâm đặc biệt đến rác thải nhựa. Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) cho biết: Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Hội LHPN xã đã thành lập mô hình Ve chai tình thương, hoạt động từ năm 2021 đến nay. Thùng đựng rác tái chế được đặt ở mỗi gia đình, người dân được hướng dẫn phân loại rác tái chế. Đồng thời, trong những lần đi vận chuyển rác, chị em mang theo bao để phân loại rác thải tái chế được như chai nhựa, lon, thùng giấy… tập kết về một điểm. “Hàng tháng, chị em thu gom rác tái chế của các hộ gia đình để tiếp tục phân loại, bán gây quỹ giúp trẻ em nghèo ở địa phương. Mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy gây nên.

 

Theo ông Huỳnh Huy Việt, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), không thể phủ nhận rằng, vật dụng bằng nhựa có nhiều giá trị sử dụng trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, việc con người quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Chống rác thải nhựa là hạn chế sử dụng vật dụng làm từ nhựa, thay thế bằng các sản phẩm làm từ các chất liệu thân thiện với môi trường.

 

“Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, các sở, ngành và địa phương cần vào cuộc đồng bộ nhằm hạn chế, ngăn ngừa, chống rác thải nhựa. Sở TN-MT tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh, đặc biệt là chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường”, ông Việt cho biết.

 

Rác thải nhựa được ngư dân thu gom từ ngoài biển đưa về cảng cá Dân Phước (TX Sông Cầu) để phân loại, xử lý. Ảnh: ANH NGỌC

 

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp

 

Theo Bộ TN-MT, mỗi năm trên thế giới, hàng chục triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, làm tổn thương hệ sinh thái biển, rạn san hô và động thực vật đại dương. Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Khi đốt, rác thải nhựa sinh ra chất độc dioxin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư… Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí ô xy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, chất thải này có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.

 

Bà Phạm Thị Gấm, Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT), cho biết: Ở Việt Nam, chất thải rắn phát sinh trên cả nước khoảng 64.660 tấn/ngày, trong đó tỉ lệ chất thải nhựa chiếm khoảng 14%. Hiện tỉ lệ thu gom chất thải rắn đô thị trung bình cả nước đạt khoảng 92% và nông thôn khoảng 66%; trong đó 28 tỉnh ven biển, tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình là 74%. Riêng hoạt động nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm khoảng 2.875 tấn, trong đó thất thoát ra biển khoảng 138 tấn, đây là mối nguy cơ lớn đe dọa đến môi trường biển và hệ sinh thái biển.

 

Để thật sự quản lý rác thải nhựa hiệu quả, theo bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), cần nỗ lực ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi không cần thiết, cũng như hạn chế và nghiêm cấm việc xả rác trái phép, vì đây là nguồn chính gây rò rỉ nhựa ra môi trường. “Phú Yên cần triển khai đồng bộ các giải pháp, từ các cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp, sự hưởng ứng của người dân và huy động sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường trong nước và quốc tế. GreenHub tiếp tục đồng hành cùng Phú Yên để thực hiện những mục tiêu trong kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2030 như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử về các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần; phát triển các mô hình thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải nhựa…”, bà Hoa nói. 

 

Mục tiêu của Phú Yên là thực hiện có hiệu quả công tác quản lý rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải. Mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao nhận thức, thay đổi được hành vi của cộng đồng về rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa và túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết khác.

 

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo,

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek